![]() | ||
Dân tộc Bana |
DÂN TỘC CỐNG
(Cinet-DTV)-Người Cống cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, khu vực ven sông Đà. Họ không chỉ được biết đến bởi kho tàng văn học truyền miệng phong phú như: thần thoại liên về nạn hồng thủy, ngụ ngôn, tục ngữ, ca dao... mà còn được biết đến bởi những làn điệu dân ca trữ tình sâu lắng.
Tên tự gọi: Cống
Tên gọi khác: Xắm Khống, Mâng Nhé, Xá Xeng, Phuy A
Nhóm địa phương: Cống Tác Ngá, Cống Bó Khăm, Cống Nậm Kè – Pù Xung
Dân số: Người Cống ở Việt Nam có 2.029 người (1).
Ngôn ngữ: Tiếng Cống thuộc hệ ngôn ngữ Tạng-Miến.
Địa bàn cư trú: Người Cống cư trú tại 13 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, tập trung tại các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, khu vực ven sông Đà.
Tết: Tết Ngô là ngày tết cổ truyền của dân tộc Cống. Đây là ngày tết lớn, tết cả của người Cống nên quy mô tổ chức to nhất so với tất cả các lễ tết khác trong năm. Tết Ngô diễn ra vào cuối tháng năm, đầu tháng sáu (âm lịch) hàng năm. Tết Ngô được tổ chức khi mùa ngô thu hoạch xong.
Lịch sử: Người Cống có nguồn gốc di cư trực tiếp từ Lào sang.
Văn hóa: Người Cống không chỉ được biết đến bởi kho tàng văn học truyền miệng phong phú như: thần thoại liên về nạn hồng thủy, ngụ ngôn, tục ngữ, ca dao... mà còn được biết đến bởi những làn điệu dân ca trữ tình sâu lắng. Vào các dịp lễ, tết, người Cống thường tổ chức múa hát với các tiết mục vô cùng đặc sắc và mang đậm tinh thần đoàn kết cộng đồng. Điệu mua tập thể "pê lêm giao" là điệu múa truyền thống của dân tộc Cống. Về tín ngưỡng, người Cống tin theo các nghi lễ tôn giáo liên quan tới các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày, ví dụ nếu ai nhìn thấy những con vật như rắn, tê tê thì phải tổ chức ngay lễ cúng cầu thần linh che chở.
Hoạt động sản xuất: Người Cống là cư dân nông nghiệp chuyên làm nương rẫy, họ canh tác theo lối phát rừng, đốt, chọc lỗ tra hạt giống. Gần đây, họ đã làm nương bằng cuốc và sử dụng trâu, bò làm sức kéo và chuyển dần sang làm ruộng nước. Hái lượm còn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất của cộng đồng dân tộc Cống, vào những tháng giáp hạt, rừng cung cấp cho con người các loại củ hay cây có bột như củ mài, báng và các loại rau rừng khác. Người Cống thường kiếm cá dưới suối, họ chủ yếu bắt cá bằng tay hoặc bả thuốc độc lá cây.
Người Cống không quen dệt vải, chỉ trồng bông để đổi lấy vải của các dân tộc khác nhưng họ giỏi đan chiếu mây nhuộm đỏ và các đồ đựng bằng tre nứa như gùi đeo, giỏ đựng cơm, rương hòm... Sau này, người Cống chuyển xuống định cư tại khu vực ven sông Ðà, nên người Cống họ dần quen với việc sử dụng thuyền để đi lại, giao thương.
Chú giải:
(1): Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.