![]() | ||
Dân tộc Bana |
DÂN TỘC DAO
Tên tự gọi: Kìm Miền, Kìm Mùn (người rừng)
Tên gọi khác: Mán, Đông, Trại, Dìu Miền, Kim Miền, Lù Giang, Làn Tẻn, Đại Bản, Tiểu Bản, Cốc Ngáng, Cốc Mùn, Sơn Đầu.
Nhóm địa phương: Dao Đỏ (Dao Cóc Ngáng, Dao Sừng, Dao Dụ lạy, Dao Đại Bản), Da Quần chẹt (Dao Sơn Đầu, Dao Tam Đảo, Dao Nga Hoàng, Dụ Cùn), Dao Lô gang (Dao Thanh Phán, Dao Cóc Mùn), Dao Tiền (Dao Đeo Tiền, Dao Tiểu Bản), Dao Quần trắng (Dao Họ), Dao Thanh Y, Dao Làn Tẻn (Dao Tuyền, Dao áo dài).
Dân số: người Dao ở Việt Nam có dân số 751.067 người (năm 2009). (1)
Ngôn ngữ: Mông - Dao
Địa bàn cư trú: Dọc biên giới Việt - Trung, Việt - Lào; Một số tỉnh trung du và ven biển Bắc Bộ. Trong đó, phía Bắc, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Thái Nguyên, sơn La, hào Bình, Phú Thọ. Phía Nam là các tỉnh như: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông và miền Đông Nam bộ như: Đồng Nai, Bình Phước.
Tết: Hàng năm, cứ đến đầu tháng 12 Âm lịch trở đi, khi mùa màng đã thu hoạch xong, mỗi gia đình người Dao lại tổ chức ăn Tết “năm cùng”, để báo công với ông bà tổ tiên thành quả của một năm lao động của gia đình. Bên cạnh đó, người dao còn có một tết đặc biệt. Đó là tết nhảy (người Dao gọi là Nhiang chằm Đao) . Song lễ này không tổ chức ở mọi nhà, không phải năm nào cũng tổ chức. Tết Nhảy chỉ làm ở “Nhà cái” (con trưởng, trưởng họ) tùy hoàn cảnh từng người để chọn năm tổ chức, thường vài năm làm một lần. Nếu quá 10 năm thì bị coi là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, trời đất, người có công tìm đất. Trong tết Nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã...
Lịch sử: Người Dao có nguồn gốc xa xưa ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) gồm 7 nhóm. Người Dao ở Việt Nam và ở Lào Cai có 3 nhóm: Dao Tuyển, Dao Nga Hoàng và Dao Làn Tẻn (còn gọi là Dao Chàm) họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (vào khoảng cuối thế kỷ 17). Để đến được đất Việt, sống ở vùng núi như ngày nay, người Dao đã phải trải qua cuộc hành trình muôn phần gian khổ vượt biển, vượt núi, vượt sông. Điều này phản ánh rõ trong nhiều phong tục, nghi lễ của người Dao và được ghi lại rất tỉ mỉ trong sách cổ. Người Dao di cư sang Việt Nam theo nhiều đợt từ đảo Hải Nam, qua Phòng Thành, tới Bắc Giang. Tới đây, họ di chuyển theo các hướng khác nhau là:
- Theo sông Lô tới Hà Giang hình thành nên người Dao áo dài.
- Theo sông Chảy tới Lào Cai, hậu duệ ngày nay gọi là Dao Tuyển.
- Nhóm ở lại vùng Nga Hoàng thuộc Yên Lập, Yên Phúc một thời gian, sau đó di chuyển tới Văn Chấn (Yên Bái), Văn Bàn (Lào Cai) là tổ tiên người Dao ngày nay. (2)
Văn hóa: Người Dao có nền văn hóa lịch sử phong phú và lâu đời.
Về tín ngưỡng dân gian: Người Dao có các phong tục tập quán mang màu sắc tín ngưỡng, những phong tục tập quán mang đậm nét văn hóa như: tục chăng dây, hát đối đáp, nghi lễ chọn đất khi làm nhà mới, nghi lễ cấp sắc cho người trưởng thành...
Về văn học: ngừi Dao để lại cho nền văn học những tác phẩm có giá trị. Đặc biệt là 23 truyện thơ như: "Hàn Bằng", "Đàm Thanh", "Bát Nương", "Lâu Cảnh", "Trạng Nghèo", "Đô Nương truyện", "Đặng Nguyên Huyện truyện", "Bá Giai truyện", "Thần sắt ca"... Trong số đó, truyện thơ kể về hành trình tìm đất vất vả của người Dao chiếm số lượng nhiều hơn cả. Bên cạnh đó, người Dao còn có kho tàng tri thức dân gian vô cùng phong phú, đặc biệt là y học cổ truyền.
Hoạt động sản xuất: Người Dao sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và lúa nước, với lĩ thuật canh tác khá tiến bộ.
Nương, thổ canh hốc đá, ruộng là những hình thức canh tác phổ biến của người Dao. Tùy từng nhóm, từng vùng mà hình thức canh tác này hay hình thức canh tác khác nổi trội lên như: Người Dao Quần trắng, dao áo dài, dao Thanh Y chuyên làm ruộng nước. Người dao Đỏ thổ cach hốc đá. Phần lớn các nhóm Dao khác làm nương du canh hay định canh. Cây lương thực chính là lúa, ngô. Các loại rau màu quan trọng là bầu, bí, khoai. Về chăn nuôi, người Dao chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà ở vùng lưng chừng núi. Ở vùng cao, có chăn nuôi dê, ngựa.
Về nghề thủ công: Nghề trồng bông, dệt vải phổ biến. (Người Dao ưa dùng vải nhuộm chàm). Hầu hết các xóm đều có nghề rèn để sản xuất nông cụ. Nghề thợ bạc là nghề gia truyền, chủ yếu là làm đồ trang sức. Bên cạnh đó, nhóm Dao Đỏ và Dao Tiền có nghề làm giấy bản (loại giấy dùng để chép sách cúng, sách hát, sách truyện, viết sớ, tiền ma). Một số nơi còn có nghề dầu thắp sáng, dầu ăn, làm đường mật.
Chú giải:
(1): Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009.
(2): "Sưu tầm kiểm kê kho sách cổ người Dao" của Tiến sĩ Trần Hữu Sơn.